Máy mài cầm tay là một dụng cụ rất đa năng và tiện dụng, đem lại hiệu quả cao cho nhiều loại công việc khác nhau nếu như bạn biết cách sử dụng nó kết hợp với các phụ kiện thích hợp như đá mài, đá cắt, lưỡi cắt. Bài viết này sẽ giới thiệu cho bạn 2 lưu ý quan trọng để sử dụng máy mài tay sao cho an toàn và hiệu quả.
1. Cố định vật gia công
Một số công dụng phổ biến của máy mài cầm tay là:
- Cắt và mài : Ứng dụng này của máy mài có thể thực hiện được trên cả kim loại và đá. Trước khi cắt hoặc mài, bạn hãy chắc rằng vật liệu gia công phải được cố định trên một bề mặt rắn chắc chắn bằng các loại kẹp hoặc mỏ cố định.
- Cắt lát tấm ván: Do kích thước và khối lượng của các tấm ván thường khá lớn, nơi tốt nhất để thực hiện công việc này là ngoài trời, trong ga ra hoặc ở những nơi có diện tích lớn. Trước khi bạn bắt đầu cắt và mài, hãy đặt tấm ván trên nền cát. Việc này sẽ ngăn chặn những rung động mạnh tạo ra trong quá trình cắt giúp tấm ván không bị nứt.
- Cắt gạch: Đây là một công việc khá khó khăn và chỉ được thực hiện tốt khi bạn đã sử dụng thành thục máy mài. Bạn hãy đặt một tấm bìa các tông dưới lát gạch để tránh làm rung động mạnh gây vỡ gạch. Ngoài ra, khi cắt, bạn chỉ nên thao tác với một lực tay vừa phải, không quá mạnh cũng như không quá nhẹ.
- Mài lưỡi các dụng cụ kim loại: Loại máy phù hợp nhất cho công việc này là máy mài góc được kết hợp thêm phụ kiện đá mài. Khi mài lưỡi, bạn cũng nên dùng kẹp cố định lưỡi chắc chắn sao cho mặt lưỡi hướng lên trên vì điều này sẽ giúp bạn nhìn rõ các góc cạnh để bạn mài chính xác.
- Làm sạch và chà nhám: Bạn có thể dùng một chiếc máy mài góc để làm sạch các gỉ sét, bụi bẩn hoặc sơn bong tróc trên bề mặt các dụng cụ kim loại, tường gạch hay bất cứ bề mặt cứng nào. Công việc này cũng phụ thuộc vào kích thước vật mà bạn sẽ gia công. Nếu vật đó nhỏ thì bạn hãy chắc rằng là giữ chặt nó bằng kẹp.
Dù dùng máy mài tay để thực hiện công việc nào thì điểm mấu chốt ở đây là vật liệu mà bạn gia công phải được giữ chặt khi làm. Bạn không nên giữ vật bằng tay và sử dụng máy mài bằng tay kia và cũng không nên nhờ bạn bè, người thân giữ nó giúp bạn. Điều này bởi vì máy mài có lực quay rất lớn. Nếu không cầm chắc máy cũng như giữ chặt vật liệu gia công, máy có thể trượt và bắn ra ngoài gây thương tích ở chân tay hay các bộ phận khác của cơ thể người sử dụng.
Một lưu ý khác nữa khi sử dụng máy mài cầm tay là bạn hãy chọn loại phụ kiện phù hợp cho từng công việc khác nhau và chắc rằng phụ kiện này được cố định chặt vào máy mài.
2. Kiểm tra máy mài trước và sau khi sử dụng
- Trước khi bạn bắt đầu cắt, chà hay mài, hãy tiến hành thử máy trên vật liệu để bạn có thể biết chính xác cách cầm máy mài cầm tay và thao tác ở những tư thế nào là phù hợp. Bạn có thể chuyển vị trí lắp đặt của tay cầm phụ sang phía đối diện với phía ban đầu nếu điều đó làm bạn dễ dàng sử dụng máy hơn.
- Sau khi đã làm quen với máy, bạn có thể thực sự bắt tay vào công việc. Mở nguồn và bắt đầu di chuyển nhẹ nhàng lên bề mặt cần mài và những chỗ đánh dấu. Bạn không nên mài với tốc độ lớn quá lâu, hãy ngừng lại khoảng 10-20 giây để chắc rằng bạn đã mài đúng chỗ.
Một khi bạn đã hoàn thành công việc, tắt máy mài và để đĩa mài quay không tải chậm dần cho đến khi ngừng hẳn.
- Ngoài ra, bạn không nên đặt máy xuống khi nó vẫn còn quay vì sẽ gây hư hỏng cho máy. Ngoài ra, bạn hãy để một lúc cho vật liệu gia công nguội đi nếu nó quá nóng, đặc biệt là vật làm bằng chất liệu kim loại. Làm việc với vật gia công nóng đỏ có thể khiến bạn bị bỏng.
Với 2 lưu ý trên, hy vọng bạn có thể biết cách sử dụng chiếc máy mài cầm tay của mình một cách an toàn và hiệu quả.